Cuối tháng 3, khi gần như cả thế giới đang bắt đầu đóng cửa vì corona virus thì Trung Quốc đang dần khôi phục lại cuộc sống bình thường.
Ngày 19 tháng 3, chính phủ Trung Quốc công bố rằng không còn ca nhiễm COVID mới trong nước, và bắt đầu dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội áp dụng với cả nước suốt hơn một tháng. Mặc dù vẫn còn một số lo ngại rằng Trung Quốc vẫn có thể đối mặt làn sóng dịch thứ hai hoặc hoài nghi rằng virus vẫn chưa hoàn toàn bị ngăn chặn, nhưng cuộc sống ở đất nước này dường như đang trở lại quỹ đạo.
Kent Wong, giám đốc điều hành Chow Tai Fook (CTF) – tập đoàn trang sức lớn nhất Trung Quốc, nói rằng 80% đến 90% số điểm giao dịch của CTF hiện đã mở cửa. Trong tháng hai, 90% trong số đó đã bị đóng cửa.
Tuy doanh số bán hàng vẫn giảm và lượng người đến trung tâm thương mại vẫn chưa đông trở lại bằng với thời gian trước dịch bệnh, Wong cảm thấy mừng rằng người tiêu dùng vẫn quan tâm đến đồ trang sức, cho dù hiện tại họ hướng đến các mặt hàng có giá thấp hơn.
“Chúng tôi cho rằng sẽ mất hai đến ba tháng để hồi phục. Tôi nghĩ sau ba hoặc bốn tháng nữa, chúng tôi sẽ trở lại bình thường. Các chỉ số hiện tại đang tốt hơn chúng tôi mong đợi.”
Đã có những thay đổi trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Chủ đề lớn trên các mạng xã hội là đi ăn ở đâu. Các địa điểm du lịch thì đông nghịt trở lại.
Người dân rất vui khi được rời khỏi nhà. Họ đến trung tâm thương mại rất nhiều nhưng không phải để mua sắm mà chỉ đơn giản để gặp nhau trò chuyện, uống trà.
Những công nghệ ứng dụng rộng rãi suốt mùa dịch như hội thảo online giờ đã trở nên thông dụng. Và mặc dù trước đây các ứng dụng mua sắm trực tuyến đã phổ biến tại Trung Quốc, nhưng phải đến bây giờ các ứng dụng này mới chinh phục được những người dùng cứng nhắc nhất.
“Những người lớn tuổi thường thích đi chợ. Tuy nhiên, bây giờ họ bắt đầu sử dụng các ứng dụng do họ không thể đi ra ngoài. Việc sử dụng điện thoại di động đã trở nên phổ biến ngay cả với những người lớn tuổi. Họ thấy được sự tiện lợi.”
Wong nói rằng khi biết virus sắp sửa trở thành một vấn đề nghiêm trọng, CTF đã bắt tay vạch nên một chuỗi chiến lược.
Tập đoàn quyết định nói không với cắt giảm nhân sự. Chúng tôi tin rằng trong trung hạn đến dài hạn, việc kinh doanh sẽ hồi phục trở lại. Và chúng tôi tin rằng con người chính là tài sản tốt nhất của chúng tôi. (Giám đốc điều hành và hội đồng quản trị của tập đoàn đã giảm 30% tiền lương.)
Tập đoàn cũng tập trung ưu tiên giao tiếp trong toàn bộ hệ thống. Chúng tôi thiết lập một trung tâm thông tin toàn quốc do đội ngũ quản lý rủi ro lãnh đạo để chúng tôi có thể cập nhật thông tin nhân viên hàng ngày.
Trên các cuộc thảo luận trực tuyến, ban lãnh đạo đã thảo luận về cách công ty lên kế hoạch để vượt qua khủng hoảng. Chúng tôi khuyến khích nhân viên nghĩ về tương lai. Chúng tôi đã nói “Hiện tại chúng ta đang phải chịu thiệt hại, nhưng ta nên lạc quan về tương lai dài hạn.”
Tập đoàn khởi động một chương trình làm việc tại nhà. Nhiều cộng sự của các cửa hàng CTF đã liên lạc và trao đổi với khách hàng qua văn bản. Để giúp việc kết nối thuận tiện hơn, tập đoàn đã xây dựng nhiều ứng dụng mới, và đầu tư rất nhiều vào mảng digital marketing.
Vào tháng 2 và tháng 3, CTF đã tổ chức hơn 20 sự kiện livestream với sự góp mặt của những người có ảnh hưởng và người nổi tiếng. Tổng các sự kiện này đã thu hút lên tới 20 triệu lượt xem.
Thành công nhất trong số này là mặt dây chuyền Stay Safe, một phần trong bộ sưu tập Cherry nổi tiếng của thương hiệu Bao Bao Family Cherry, với số tiền thu được sẽ làm từ thiện. Tất cả 5.000 chiếc được bán hết trong vòng 30 giây.
Cuối cùng, CTF đã tạo ra một chương trình học từ xa.
Chúng tôi đã nêu ra nhiều chủ đề khác nhau để mọi người cùng thảo luận. Chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để đánh giá lại doanh nghiệp. Từ đó mọi người suy nghĩ về những gì họ cần phải làm sau khi hết cách ly.
Giờ đây, Chow Tai Fook Bắc Mỹ, trụ sở tại Boston, đơn vị sở hữu các thương hiệu Hearts On Fire và Mémoire, đã bị buộc phải đóng cửa, giám đốc điều hành Caryl Capeci mong rằng sẽ học hỏi được từ cách ứng phó của Tập đoàn.
“Nhờ làm việc từ xa, chúng tôi có thời gian để làm những việc chúng tôi luôn muốn làm mà không bị gián đoạn. Chúng tôi đang nói về những cách giúp có thể theo dõi nhanh bất kỳ dự án nào đang thực hiện, để khi quay trở lại, chúng tôi trở thành một phiên bản khác.
“Ngành trang sức nói chung cũng nên sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan”. Cô nói.
“Đây là cơ hội để chúng ta thực sự làm mới chính mình. Tốc độ thích nghi của ngành chúng ta còn tương đối chậm. Nhiều đơn vị kinh doanh trang sức không có nền tảng trực tuyến để hiển thị hàng hóa cho những người không đến cửa hàng được. Đơn vị nào có nền tảng online sẽ có thể phục hồi lại nhanh hơn.
“Cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi phương thức bán lẻ. Chúng ta có hai tháng để tìm hiểu về những phương pháp và công cụ giúp hiện đại hóa doanh nghiệp. Việc này cần được ưu tiên trên hết.”
Cô cũng khuyên các nhà bán lẻ nên thực hiện một đánh giá sâu về hàng hóa của họ và đảm bảo rằng họ có sản phẩm phù hợp. Nếu khách hàng Trung Quốc sau thời hạn đóng cửa đã có xu hướng chọn sản phẩm giá thấp hơn, thì khách hàng Mỹ cũng có thể phản ứng tương tự.
Về mặt tích cực, thì ngành du lịch xa xỉ – một trong những đối thủ lớn nhất của ngành trang sức, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Wong đồng ý rằng ngành trang sức cần tập trung vào bức tranh lớn hơn.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, và chúng ta cần phải đoàn kết lại với nhau. Đừng đánh mất chính mình trong thời điểm khó khăn này. Hãy suy nghĩ về cách duy trì niềm tin của khách hàng. Chúng ta cần làm gì với người tiêu dùng? Hành vi của họ sẽ thay đổi như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể hành động đúng đắn?”
Là một người đã trải qua thời gian phong tỏa, Wong có một lời khuyên ngắn gọn cho các đồng nghiệp hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa: “Hãy ở trong nhà, giữ sức khỏe và sống tích cực.”
(Hình ảnh: Chow Tai Fook)
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.