Không phải viên đá quý nào cũng có khả năng tán sắc ánh sáng đủ để nhìn thấy bằng mắt thường như kim cương. Các chuyên gia kim cương sử dụng thuật ngữ “lửa kim cương” để mô tả sự tán sắc ánh áng của kim cương. “Lửa” ở đây được định nghĩa là màu sắc cầu vồng nhìn thấy được khi di chuyển một viên kim cương đối xứng dưới ánh sáng phù hợp.
“Lửa” thu được từ sự sắp xếp giữa các mặt giác và các góc giữa chúng. Vì vậy, mặc dù mọi viên kim cương đều có cùng giá trị phân tán, nhưng không phải viên nào cũng thể hiện “lửa” như nhau. Có 4 yếu tố tương tác giữa kim cương và ánh sáng góp phần tạo nên “ánh lửa” mà bạn nhìn thấy trên mặt trực diện của một viên kim cương.
Đầu tiên là góc mà ánh sáng chiếu vào kim cương. Ngay khi ánh sáng trắng chiếu vào một viên kim cương, các màu quang phổ bắt đầu lan rộng và tách ra. Góc càng lớn, khúc xạ càng lớn. Ví dụ, nếu góc tới là 1 độ, thì sự khác biệt giữa góc khúc xạ của màu tím và màu đỏ là rất nhỏ, nhỏ hơn một phần trăm của một độ và như vậy sẽ không phản chiếu lại nhiều “ánh lửa”. Ở góc độ tối đa bên trong (24,5 độ) độ lan ra là gần một nửa độ, và “ánh lửa” có thể nhìn thấy rõ hơn một chút.
Thứ hai là số lần một tia sáng tương tác với các mặt trong kim cương. Sự tán sắc tăng lên mỗi khi ánh sáng phản xạ hoặc khúc xạ trong 1 viên kim cương được cắt tốt. Khi các tia sáng được phân tán nhiều lần trong một viên kim cương, màu sắc quang phổ sẽ càng đa dạng và càng rõ.
Đường tiếp giáp giữa các mặt kim cương cũng ảnh hưởng đến “lửa kim cương”. Khi tia sáng đi vào một viên kim cương, đặc biệt là ở góc nông, nó bắt đầu tách thành các màu quang phổ. Nếu các bước sóng màu chiếu tiếp vào các mặt đối diện của một đường tiếp giáp, các màu có thể phân tách và đi theo những con đường hoàn toàn khác nhau. Mỗi bộ màu sắc quang phổ mới góp phần tạo nên lửa kim cương. Điều này càng xảy ra nhiều, lửa kim cương càng rực rỡ.
Yếu tố cuối cùng là góc của tia sáng khi chiếu ra khỏi kim cương. Về cơ bản, góc thoát càng nhỏ thì góc khúc xạ càng lớn. Điều này có nghĩa là các dải màu sẽ lan xa hơn, tạo ra sự xuất hiện của ánh lửa lớn hơn. Một số kiểu cắt có số lượng mặt giác trên tăng lên để tận dụng hiệu ứng này.
Loại ánh sáng cũng có thể ảnh hưởng đến lửa. Ánh sáng khuếch tán, ví dụ như ánh sáng tạo ra bởi đèn huỳnh quang, phản chiếu khỏi các bức tường và đồ đạc xung quanh để chiếu vào viên kim cương từ mọi góc độ. Loại ánh sáng này giúp tôn lên độ sáng của kim cương nhưng không đem lại lửa kim cương.
Ánh sáng định hướng, hay còn được gọi là rọi sáng hoặc nguồn sáng điểm, chiếu vào kim cương chỉ từ một số góc nhất định. Loại chiếu sáng này tương phản với các vùng tối xung quanh để khơi lên ánh lửa trong một viên kim cương. Sự kết hợp giữa ánh sáng huỳnh quang và đèn sợi đốt tạo ra sự cân bằng giữa độ sáng và lửa.
Bạn chỉ có thể nhìn thấy “lửa” nếu các sóng ánh sáng tán sắc truyền riêng vào mắt bạn. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, bởi vì, giống như ánh sáng trắng tán ra thành màu sắc khi nó đi vào viên kim cương nhưng ánh sáng màu có thể kết hợp lại thành ánh sáng trắng khi nó thoát ra. Bởi vì kim cương được đánh giá cao nhất khi ngửa đúng mặt trên nên các thợ cắt sẽ điều chỉnh cách cắt sao cho lửa kim cương được thể hiện rõ nhất trên mặt. Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để xem lửa kim cương là nghiêng và thay đổi hướng của nó.
Đôi khi các màu nền (từ màu vải hoặc các vật thể có màu tương phản xung quanh một viên kim cương) có thể góp phần tạo ra sự xuất hiện của lửa kim cương.
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.