Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc tế để phân loại và định tính những viên kim cương đã đánh bóng.
Tiêu chuẩn ISO 24016 mới được công bố gần đây nhằm mục đích thiết lập các quy tắc với độ chính xác tối đa để xác định khối lượng, màu sắc, độ tinh khiết và đường cắt của từng viên kim cương.
Theo ISO, mặc dù hầu hết kim cương hiện nay được đánh giá trên tiêu chuẩn 4Cs, nhưng vẫn còn một số báo cáo kim cương được ban hành dựa trên các bộ tiêu chuẩn khác nhau của các phòng thí nghiệm riêng lẻ, vì vậy sẽ có khả năng dẫn đến kết quả khác nhau cho cùng một viên kim cương. “Tình trạng này làm tổn hại danh tiếng của toàn bộ ngành buôn bán kim cương. Do đó, cần có một bộ tiêu chuẩn ISO duy nhất để phân loại kim cương đã đánh bóng”, ISO cho biết.
ISO đã quy định thuật ngữ, cách phân loại và các phương pháp được sử dụng để phân loại và mô tả các viên kim cương đã đánh bóng khối lượng trên 0,25 carat.
Bộ tiêu chuẩn mới áp dụng cho kim cương tự nhiên, đã đánh bóng nhưng chưa được gắn vào trang sức; và không áp dụng cho các loại kim cương tổng hợp, có màu, hoặc viên đã từng được gắn vào trang sức.
ISO lưu ý: “Cùng với ISO 18323 – tiêu chuẩn đặt ra thuật ngữ kim cương, kim cương tổng hợp và chất mô phỏng kim cương, thì một tiêu chuẩn ISO để xếp hạng kim cương đánh bóng sẽ tạo nên một cơ sở đáng tin cậy trong ngành công nghiệp kim cương thế giới.
Theo liên đoàn, việc xây dựng một tiêu chuẩn ISO để phân loại kim cương đánh bóng đã được ủng hộ bởi các tổ chức kim cương quốc tế và CIBJO (Liên đoàn Trang sức Thế giới), với mục đích áp dụng tiêu chuẩn duy nhất cho phân loại kim cương và các thuật ngữ kim cương của CIBJO.
CIBJO đã mô tả bộ tiêu chuẩn ISO 24016 là một bước phát triển mang tính đột phá, đồng thời khẳng định rằng đây là tiêu chuẩn đầu tiên được ISO phê duyệt, xác định rõ thuật ngữ, các phân loại và phương pháp phân loại kim cương đã đánh bóng.
Chủ tịch CIBJO Gaetano Cavalieri cho biết: “Đây là một thời khắc lịch sử đối với ngành chúng ta. Lần đầu tiên một hệ thống phân loại kim cương nghiêm ngặt đã được tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới phê duyệt, chính thức công nhận các nguyên tắc và thuật ngữ mà cho đến nay vẫn chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền quốc tế nào chấp thuận”.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.