Nhân dịp Cartier mở rộng bộ sưu tập báo đốm Panthère de Cartier của mình, chúng tôi xin điểm lại vai trò của biểu tượng quyến rũ này trong lịch sử của thương hiệu.
Gần đây Cartier đã tung ra những sáng tạo mới trong bộ sưu tập Panthère de Cartier, bao gồm một chiếc vòng tay La Panthère bằng vàng, mã não, ngọc lục bảo và kim cương cắt tròn, tiếp nối phong cách đặc trưng của thương hiệu từ 1914.
Bao gồm 11 chiếc nhẫn, 6 vòng tay và một chiếc trâm cài, bộ sưu tập mới tái hiện lại biểu tượng báo đốm với phiên bản mỏng hơn so với các thiết kế Panthère de Cartier hiện tại nhưng không làm mất đi sắc thái của bộ lông đốm.
Bộ trang sức mới đánh dấu một bước chuyển mình của bộ trang sức trước đây, và được mô tả như là biểu cảm của loài mèo cho cả sự nữ tính, tự do, thanh lịch và gợi cảm. Bộ sưu tập gồm 59 món phụ kiện, bao gồm các đồ trang sức, đồng hồ, phụ kiện và nước hoa.
Sự mô phỏng uyển chuyển, hiện đại của bộ sưu tập làm chúng ta quên mất rằng thực tế đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi loài báo xuất hiện trong kho tàng của Cartier, vào thời điểm loài mèo lớn này là mô típ phổ biến của các nghệ sĩ, từ François Pompon đến Rembrandt Bugatti Paul Jouve.
Hình ảnh con báo đã xuất hiện lần đầu từ Cartier vào năm 1914 trên thiệp mời triển lãm trang sức “Dame à la panthère”. Cùng năm đó, Cartier Paris đã tạo ra một chiếc đồng hồ đeo tay nữ bằng platinum và vàng hồng, được trang trí hoa văn đốm với kim cương và các mảnh mã não có hình dạng không đồng nhất.
Nhà thiết kế Charles Jacqeau là một trong những người đầu tiên trong Cartier làm việc với áo khoác họa tiết báo đốm. Sau đó, báo đốm được tái sử dụng để tô điểm cho những sản phẩm của Cartier từ năm 1925 đến 1930.
Các tác phẩm nổi bật khác bao gồm một chiếc đồng hồ đeo tay năm 1915 bằng bạch kim với mã não và kim cương, về sau được bán cho Pierre Cartier, và một chiếc vòng tay năm 1930 bằng bạch kim và vàng, với sứ đen, các chuỗi hạt san hô và các đốm mã não xen kẽ kim cương trên móc cài.
Kể từ đó, từng chi tiết từ biểu tượng báo đốm đã được phô diễn khéo léo trong các trang sức của Cartier: hình dáng oai phong, uyển chuyển nằm dài trên những chiếc trâm cài; bộ lông đốm với kim cương pavé, mã não, saphia, sơn mài trên dây chuyền và vòng tay; và đôi mắt sáng lấp lánh, miên miên nhìn chăm chú từ đồng hồ và nhẫn.
Người tiên phong
Người có công xây dựng vị trí của biểu tượng báo đốm cho Cartier là Jeanne Toussaint, bà gia nhập thương hiệu vào cuối những năm 1910 và đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của bộ phận trang sức của Cartier từ năm 1933 đến 1970. Nguồn cảm hứng kỳ lạ – boot Tatar màu đỏ và đồ ngủ bằng lụa Trung Quốc là một phần trong tủ quần áo của bà – Toussaint sở hữu một phong cách độc đáo và khác biệt, chẳng hạn như ghép vàng vàng với đá quý màu rực rỡ.
Sau khi đi tour safari ở Kenya, bà và Louis Cartier đã giới thiệu đồ trang sức lấy cảm hứng từ con báo. Biệt danh riêng của Toussaint, “La Panthère”, đã ra đời từ việc phải khẳng định mình là người có thẩm quyền tại Cartier (điều này là một thách thức vì phụ nữ ở Pháp không có quyền bỏ phiếu cho đến năm 1945) và sự yêu thích cá nhân của bà đối với loài báo.
Toussaint không chỉ đánh giá cao loài báo ở bộ lông; bà ngưỡng mộ chúng như một biểu tượng của sức mạnh và sự độc lập, đặc biệt trong thời điểm bấy giờ – xã hội đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên mới hiện đại, nữ quyền và tự do ngôn luận.
Vào năm 1948, Toussaint đã đưa tạo hình con báo nổi vào chiếc trâm vàng đính một viên ngọc lục bảo kích thước 116 ct dành cho Nữ công tước xứ Windsor Wallis Simpson, cũng là lần sản phẩm đầu tiên của Cartier có hình báo 3 chiều. Năm sau, nữ công tước đã mua thêm một chiếc trâm Cartier khác có hình báo 3 chiều, chiếc trâm này được làm bằng bạch kim, vàng trắng, kim cương, sapphire đốm, và một viên sapphire Kashmir 152,35 ct.
Mẫu thiết kế con báo sớm được các biểu tượng phong cách đương đại đón nhận, như nữ diễn viên người Mexico María Félix, fashionista người Pháp Daisy Fellowes và Công chúa Nina Aga Khan.
Trong cuốn”Phong cách và Lịch sử của Cartier” năm 2013, Hubert de Givenchy gọi phong cách của Toussaint “rất riêng, rất đặc biệt, rất Cartier” và những sáng tạo của bà được ngưỡng mộ bởi chúng sống động, tiên phong và cực kỳ thanh lịch. “Bà đã cách mạng hóa trang sức xa xỉ bằng cách trẻ hóa và hiện đại hóa nó, với thẩm mỹ của một họa sĩ vĩ đại, Toussaint không chỉ dạo chơi với những viên đá quý đẹp mà còn luôn đổi mới trong sáng tạo của mình.”, ông nói thêm.
Sự phát triển
Một điểm thiết yết giúp cho biểu tượng con báo trông giống như thật của Cartier là kỹ thuật sắp đặt bộ lông, tái tạo vẻ ngoài của lông báo thông qua các loại đá quý, như đá mã não và sapphire cho các đốm: mỗi viên đá được cắt và đo, sau đó sắp xếp và đặt thành một mạng lưới, và được cố định bởi các mấu kim loại cao cấp.
Vòng đeo tay La Panthère bằng vàng trắng 18k, được đính 923 viên kim cương tổng cộng 10,3ct, mã não và mắt ngọc lục bảo, gợi nhớ đến chiếc vòng đeo tay hai đầu thuộc về Công chúa Nina Aga Khan
Tái hiện lại loài báo cũng có nghĩa là phải chú ý đến từng chi tiết để tạo được bản sao của mỗi đường nét, và gợi lên được sự uy nghi và uyển chuyển của nó. Năm 1927, nhà thiết kế Peter Lemarchand của Cartier đã dành thời gian dài quan sát các con báo ở Sở thú Vincennes để nghiên cứu về phiên bản đời thực bên cạnh các tác phẩm trang sức hình báo, và bản sao của tài liệu “Nghiên cứu động vật” của Mathurin Méheut trong thư viện thiết kế Cartier cho thấy rằng các hình dáng, cử động của báo đốm thường xuyên được các bậc thầy sáng tạo của thương hiệu tham khảo.
Mặc dù phong cách và thần thái của biểu tượng báo đốm đã thay đổi qua từng thập kỷ – từ dữ dằn trong những năm 1950 đến vui tươi trong những năm 1960 và thời thượng trong thế kỷ 21 – thì mô típ báo đốm vẫn là một biểu tượng quan trọng của thương hiệu Cartier.
“Trong hơn 100 năm qua, không có hình tượng nào đạt được dấu ấn tầm cỡ như vậy, dù là ở Cartier hay toàn thị trường trang sức thế kỷ 20. Không có loài vật hay viên ngọc nào khác có thể đại diện một cách tự nhiên và cảm xúc cho phụ nữ sành điệu thế kỷ 20, sự nữ quyền của thế kỷ 20, hay cho huyền thoại Cartier.” ông Pierre Rainero, Giám đốc Di sản của Cartier cho biết.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.